Diễn đàn 12A1 Nguyễn Trung Trực
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trên cái đầu!

2 posters

Go down

Trên cái đầu! Empty Trên cái đầu!

Bài gửi by Hoàng Sat Mar 16, 2013 12:35 am

- Trên cái đầu là cái gì?
- À thì nó là cái Mũ Bảo Hiểm chứ còn cái gì nữa!
Chuyện về cái mũ bảo hiểm có lẽ sẽ là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Lúc này rảnh, các cụ cứ từ từ nghe em nói dóc nghe Trên cái đầu! 20859
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty HỒI THỨ NHẤT : BỘ BINH, BỘ HỘ, BỘ HÌNH...

Bài gửi by Hoàng Sat Mar 16, 2013 12:56 am

Thời phong kiến, có một câu ca dao mà đọc nguyên văn thì hơi khiếm nhã nên em sửa lại một tí nghe cho đỡ "phô" mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa:

Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình
Ba Bộ đồng tình vắt sữa con tôi.

Mới ăn tết xong, các cụ nhà mình đã cho bà con nhảy điệu "Hoang Mang Style" khi mà cả 4 bộ (KH&CN, Công Thương, Công An, Giao Thông) cùng ký Thông tư số 06 trong đó nổi bật là chuyện phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm dỏm. Nhưng cũng còn may là khi vấp phải phản ứng của dư luận thì chiều 13/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với nhiều đại diện các cơ quan để trao đổi về tính hợp pháp của quy định “phạt” này. Và, các Bộ tham gia ký Thông tư số 06 đã thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật và phản biện của dân.

Thế là... một lần vắt sữa hụt! hú vía!
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty Re: Trên cái đầu!

Bài gửi by Nguyen Van Trung Sat Mar 16, 2013 8:50 am

Hoàng đã viết:
Thế là... một lần vắt sữa hụt! hú vía!
Theo tao, nếu vắt cu Hoàng chỉ ra nước dão cốt dừa thôi, chứ nàm gì có sữa mà vắt Laughing
Mà dân mình cũng ngộ thật, có mỗi việc đội cái nón BH đàng hoàng, để bảo vệ cái gáo của mình mà cũng khó ghê. Người thì mua mấy cái nón bằng nhựa mỏng đội để đối phó công an, người thì có đội nón nhưng không cài quai, người thì chả thèm đội luôn ( chuyện này cụ Hưng Râu là số 1, cả nhà chất 4 lên một chiếc xe đi ăn phở Việt, mà chẳng Bảo hiểm bảo hộ gì ráo Trên cái đầu! 340913 )
Mấy Cty làm mũ BH chất lượng đã lỡ đầu tư, chung chi này nọ nhiều rồi, nay nếu ai cũng đội mũ dỏm, thì nó sập tiệm. Mà nó sập là nó la làng, mà nó la làng thì có nhiều người nhột...
Nguyen Van Trung
Nguyen Van Trung

Tổng số bài gửi : 1413
Join date : 22/06/2010
Age : 57

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty Re: Trên cái đầu!

Bài gửi by Hoàng Mon Mar 18, 2013 12:34 am

Nguyen Van Trung đã viết:...Mà dân mình cũng ngộ thật, có mỗi việc đội cái nón BH đàng hoàng, để bảo vệ cái gáo của mình mà cũng khó ghê...
Ậy, cái chuyện "ngộ" này phải dành nguyên một chương để tả cảnh Trung ơi Trên cái đầu! 20859. Bây giờ mình đi tiếp vào vấn đề chính để cho khỏi loãng chuyện.

Xem trên báo mấy ngày nay mình thấy đủ thứ chuyện, chuyện đầu tiên là chuyện lỡ lời của bác cục phó một cục to đùng khi lý luận để quyết phạt cho bằng được dân xe ôm như Hoàng đã chửi dân nhà báo là thiểu năng gì gì đó nên mới không phân biệt được mũ thật và mũ "rởm". Rồi bác ấy phán ngay cho một câu là mũ xịn thì nhiều tiền, mũ dỏm thì ít tiền? À ra thế, đơn giản vậy ư? Ba bốn trăm ngàn với người giàu cũng chẳng là cái nghĩa địa gì, một vài chục ngàn với người nghèo lại là cả một sự đắn đo. Như vậy thì thế nào là nhiều tiền và thế nào là ít tiền? Quan trọng hơn hết là trách nhiệm kiểm tra hàng thật, hàng giả này không thuộc về người dân! Vậy thì anh căn cứ vào đâu để phạt?

Rồi thì 4 bộ họp nhau lại, ra thông tư 06 để... phạt! Chà, chuyến này chắc ăn đây, ý kiến tập thể mà. Thế nhưng... niềm vui chưa trọn vẹn thì bị dư luận phản ứng và bộ tư pháp buộc phải xem lại, thấy TT06 kỳ cục quá nên mới phải họp báo dừng phát hành.

Té ra các cụ lớn đa số là nghị gật ư? 4 bộ họp tới họp lui, cho ra một quái thai mà không ai phát hiện sao? Xấu hổ thế!

Suy cho cùng thì trên cái đầu của các cụ lớn cũng cần phải có một thứ gì đó mà không phải là cái mũ bảo hiểm!...

Buồn...
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty Vẫn quyết... PHẠT cho bằng được! (tập 2)

Bài gửi by Hoàng Thu Mar 21, 2013 1:08 am

Sau vụ tẽn tò ở tập một thì trả lời phỏng vấn chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt lần này, đơn vị này sẽ bổ sung thêm việc xử phạt những người có đội mũ nhưng không đủ 3 bộ phận là: phần vỏ cứng, lớp đệm chống xung động và bộ phận thứ ba là quai đeo.

Không biết bác Thăng đang nghĩ gì !!!?

Thứ nhất, người dân không tự mình làm ra cái mũ bảo hiểm cho nên người dân hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về việc cái mũ bảo hiểm mình đang đội trên đầu có kết cấu như thế nào! Chuyện kết cấu của cái mũ đó phải do nơi sản xuất chịu trách nhiệm.

Thứ hai, mũ bảo hiểm dỏm cũng có đủ 3 lớp, cũng có vỏ ngoài, lớp lót bên trong và quai đeo… nhưng dỏm thì vẫn dỏm. Cho nên việc có đủ 3 lớp hay không không chứng minh được có đủ chất lượng hay kém chất lượng. Vì thế, việc xử phạt mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp là lang thang, vô duyên hết cỡ!!!

Tóm lại, Mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn thì thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất và Bộ Khoa học Công nghệ. Còn chuyện mũ bảo hiểm dỏm làm sao lại có mặt trên thị trường thì thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Cho nên, việc đưa vào Nghị định vấn đề xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn là sai nguyên tắc.

Để rồi xem, dân xe ôm bây giờ cũng khó bị bắt nạt lắm lắm...
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty CHUYỆN CÁI MŨ BẢO HIỂM: XIN ĐỪNG DỐI NHAU NỮA!

Bài gửi by Hoàng Thu Mar 21, 2013 2:46 pm

Đang tính làm một bài thì bác này đã làm giúp, thế là tớ bê nguyên xi con về nhà thôi!
Phải chi bây giờ có một cuộc trưng cầu dân ý rằng có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay không nhỉ! Trên cái đầu! 799672

*******************************************


Trên cái đầu! Auto-007
Ngày 14/3/2013, hầu hết các cơ quan báo chí đều đưa tin: Bốn bộ (Khoa học- Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông vận tải) ký Thông tư liên tịch số 06/2013 ngày 28/2/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy đã họp và thống nhất "chưa áp dụng" Thông tư này. Đây lại thêm một vụ “ngồi trên trời” ban hành chính sách…

Thứ nhất, theo chúng tôi, việc ban hành thông tư liên tịch 06/2013 với quy định hành vi vi phạm mới (đội mũ bảo hiểm rởm) là không đúng thẩm quyền.

Hiện nay chưa có chế tài quy định cụ thể xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 của Chính phủ gần đây chỉ quy định công an được phép xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách (không cài quai) mà thôi.

Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002 và Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 (sắp có hiệu lực từ ngày 01/7/2013) thì chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính cùng hình thức xử phạt, mức xử phạt tương ứng. Cấp bộ, dù là 1 bộ hay 4 bộ cũng không có thẩm quyền này.

Thứ hai, “các nhà báo thiểu năng” hay những người làm chính sách có vấn đề trong tư duy?

Tại Điều 3 và Điều 4, của Thông tư 06 quy định mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe máy phải có đủ các tính năng: Giảm chấn thương vùng đầu cho người đội khi có va chạm, tai nạn; Có cấu tạo đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ rung động và quai đeo có kiểu dáng theo hình 1 của quy chuẩn quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; Nếu có mũ lưỡi trai mềm thì độ dài không quá 70mm, có góc nghiêng không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; Nếu có lưỡi trai cứng thì độ dài không được lớn hơn 50mm… Nếu có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm; Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2:2008/BKHCN; được gắn với dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa.

Tại cuộc họp chiều 11/3/2013, ngay bản thân người tham gia soạn thảo văn bản là ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), người chê các nhà báo thiểu năng, khi giải thích về quy định trên đây cũng vô cùng rối rắm, khó hiểu. Dù nghe đi nghe lại băng ghi âm lời phát biểu của ông, chúng tôi vẫn không hiểu ông giải thích cái gì.
Vậy thì, dựa vào bộ quy chuẩn này, để bắt người đội mũ cũng như công an, cảnh sát nắm được, đối chiếu kiểm tra xác định hợp chuẩn hay không hợp chuẩn là một sự đánh đố. Để những người làm chính sách mà tư duy luẩn quẩn, u u minh minh như ông Đinh Mạnh Toàn thì khó có thể đòi hỏi chất lượng văn bản cao hơn.

Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp), một quy định chỉ có hiệu quả và giá trị thực tiễn khi đối tượng sai phạm là thiểu số, là trường hợp đặc biệt. Khi người tham gia giao thông là đối tượng được bảo vệ tính mạng và sức khỏe thì quy định lại quay lại xử phạt đối tượng cần và được bảo vệ. Muốn xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trước tiên phải cắt nguồn, không để các loại hàng dỏm đó tồn tại trong xã hội. Việc này phải đi trước một bước và phải làm thực sự chứ không phải nửa vời, đặc biệt là không được buông trôi, thả lỏng như lâu nay.

Điều kiện khách quan phải đủ thì khi đó người đội mũ bảo hiểm rởm chỉ là thiểu số, là số ít và trong nhận thức người ta cũng biết đấy là mũ dỏm và việc đội chỉ là đối phó thì khi đó phạt là không oan. Đặc biệt là không để tình trạng CSGT phải xử phạt "mỏi tay", không xuể. Như hiện nay, nếu đưa quy định này ra để lực lượng công an, cảnh sát thực thi thì không biết hình ảnh của nó sẽ thế nào, có gây phản cảm quá không. Tóm lại, ở đây là vấn đề điều kiện cần và đủ cũng như lựa chọn thời điểm để quy định và thực thi biện pháp xử phạt đối với người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Điều đáng lưu ý, khi đưa quy định người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm trong Luật giao thông đường bộ, đã có sự thảo luận hết sức quyết liệt, trong thời gian tương đối dài và có một lộ trình từ nội thành ra địa bàn khác... Mục đích của quy định này, trước hết và cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người điều khiển xe máy. Vậy, đưa ra quy định phạt khi điều kiện khách quan chưa hội đủ liệu có giữ được mục đích này hay không hay lại lẫn sang mục đích khác.

Thứ ba, tác giả hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Mới đây, phát biểu trên báo chí, ông Thăng công khai nhấn mạnh: “Chất lượng MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng. Vì thế, khi phạt người tham gia giao thông không có chuyện phạt vì mũ rởm, mũ kém chất lượng hay mũ không giống MBH... Các loại mũ này không thể phân biệt được, nếu cố phạt thì chỉ có tranh cãi suốt ngày. Trách nhiệm của quản lý thị trường là phải đảm bảo được sản xuất và lưu thông.”

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%, nhưng trong đó có tới 70% là mũ giả, kém chất lượng. Còn ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an, là người có phát ngôn ấn tượng mới đây khi cho rằng “các nhà báo thiểu năng”) cho chúng ta biết con số ấn tượng hơn: 100% ý kiến của người dân cho rằng cứ rẻ là mua, biết là hàng giả vẫn mua.

Như vậy, chính các vị đại diện cho các cơ quan nhà nước ban hành chính sách “bắt buộc đội mũ bảo hiểm” đã gián tiếp thừa nhận rằng mục tiêu “cao đẹp và nhân văn” khi ban hành chính sách này nhằm “bảo vệ cái đầu” của người tham gia giao thông đã không đạt được; trên thực tế, suốt 6 năm qua, người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm chỉ là để đối phó, để khỏi bị CSGT làm phiền chứ không phải để “bảo vệ cái đầu” của mình.

Chẳng những mục tiêu “cao đẹp và nhân văn” trên không đạt được, ngược lại, từ ngày 15 tháng 9 năm 2007 (ngày bắt đầu thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm) đến nay, chính sách này đã và đang khiến cho cả xã hội phải lừa dối lẫn nhau, gây biết bao hệ lụy:

1-Dối trá trong công nghệ sản xuất

Có cầu là có cung. Đồng thời với việc áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, ngành công nghệ sản xuất mũ cũng khởi sắc theo hướng “trăm hoa đua nở”. Từ những của hàng lớn ở thành phố đến mọi quầy mua bán nhỏ ở chợ làng, đâu đâu cũng được trưng bày đủ loại mũ bảo hiểm, mẫu mã màu sắc thật phong phú, hợp với mọi túi tiền, đáp ứng mọi thị hiếu và mọi lứa tuổi. Bà con ta đổ xô nhau đi mua mũ, người người mua mũ, nhà nhà mua mũ. Một gia đình 5 người, tiền sắm mũ một lúc hết nửa tháng lương như chơi. Nhưng biết làm sao được, vì đó là luật, với những lời cảnh báo: ai không đội mũ sẽ bị phạt.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi quyết định buộc đội mũ bảo hiểm có hiệu lực, các cơ quan chức năng phanh phui hàng loạt cơ sở sản xuất mũ “không đúng tiêu chuẩn”. Người ta tự hỏi không biết những tiêu chuẩn này dựa theo nguyên tắc nào. Báo chí cũng không công bố danh tính những các cơ sở sản xuất vi phạm. Người ta chẳng biết những cơ sở đó có bị nghiêm phạt và bị đóng cửa hay không. Và thế là, trong một thị trường mênh mông đa dạng, người tiêu dùng cũng chẳng biết đâu là mũ tốt, đâu là mũ kém chất lượng. Thông tin cảnh báo mà các cơ quan chức năng đưa ra giống như để trộm ra khỏi nhà mới hô người bắt cướp. Cái mũ đơn giản là thế mà cũng làm người tiêu dùng nhiều phen hoang mang.

Đối với một số nhà sản xuất, tiêu chí hàng đầu không phải là sự an toàn cho người sử dụng. Họ chỉ mong có nhiều lợi nhuận trong sản xuất và kinh doanh. Hậu quả là những chiếc mũ kém chất lượng theo kiểu “hàng mã” ra đời. Có những chiếc mũ làm bằng bìa các-tông được phủ một lớp vải mầu. Có chiếc lại nhỏ xíu, nhỉnh hơn bàn tay một chút, chỉ đủ để phủ kín đỉnh đầu. Vì thế, mũ bảo hiểm đã biến thành mũ thời trang lúc nào không hay.

2-Dối trá trong thực thi luật pháp

Nhà nước ta đã nói là làm. Thế mới nghiêm! Sau ngày đầu tiên nương nhẹ chỉ cảnh cáo và ghi lại địa chỉ của người vi phạm, những ngày tiếp sau đó, biết bao người chủ quan đã phải méo mặt nộp phạt. Chưa có cơ quan nào nghiêm túc tiến hành điều tra một cách khách quan, khoa học về sự liên quan giữa mũ bảo hiểm với hậu quả của tai nạn giao thông trong sáu năm qua. Chỉ biết rằng báo cáo thống kê hàng năm, số vụ TNGT và số người chết vì TNGT đều “năm này cao hơn năm trước”! Như vậy có thể thấy quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm suốt 6 năm qua không hề làm giảm số thương vong vì TNGT. Mà, ai cũng biết, giảm làm sao cho được khi mà mọi người đều đội mũ rởm?
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tại một số đoạn đường thường xuyên có trạm cảnh sát thường trực, một hình thức thương mại mới lại phát sinh, đó là cho thuê mũ. Này nhé, trước trạm kiểm soát chừng 200 mét, có mấy người xe ôm trực đó, nếu thấy ai phóng xe máy mà không đội mũ là họ ra hiệu dừng xe, thông báo có trạm kiểm tra trước mặt, rồi đề nghị cho thuê mũ với giá rẻ không ngờ, chỉ 10.000 đồng, thế là cả hai cùng lên đường, sau khi qua trạm công an, mời anh dừng lại, trả tôi cái mũ và cũng đừng quên trả 10.000 đồng. Thật là một hình thức kinh doanh nhẹ nhàng mà cả hai cùng có lợi. Đương nhiên người đi đường sẽ chọn hình thức trả 10.000 đồng hơn là bị phạt ít nhất là 200.000 đồng!
Khi quyết định bắt buộc đội mũ có hiệu lực cũng là lúc người ta nghĩ ra đủ trò gian dối. Báo chí nói đến những trường hợp đội mũ để “đối phó”, tức là đội cho có lệ, để che mắt những người có trách nhiệm kiểm soát. Có những cảnh nực cười như đi xe máy một tay, còn tay kia để …cầm mũ, nếu nhìn thấy cảnh sát thì mới đội. Người bán cũng như người mua, người tham gia giao thông cũng như anh cảnh sát, mọi người chẳng ai tin vào sự an toàn nhờ những thứ đồ vật trang sức đúng hơn là mũ bảo hiểm kia. Và thế là, người ta cứ đồng tình với nhau để mà dối trá. Nói dối, sống dối rồi chẳng hề áy náy lương tâm vì điều mình đang thực hiện.

3- Lợi đâu chưa thấy nhưng thiệt hại đã nhãn tiền

Cái mũ bảo hiểm chẳng những không có tác dụng bảo vệ người dân như tuyên truyền mà ngược lại, từ ngày có quy định này, người tham gia giao thông lại … mất an toàn hơn vì CSGT! Báo Tiền phong từng dẫn lời một vị Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, Bộ Công an không cho phép các lực lượng được truy đuổi người vi phạm giao thông với lỗi nhỏ. Cụ thể, với những tội phạm nguy hiểm như giết người cướp của chẳng hạn, nếu bỏ chạy thì lực lượng cảnh sát phải cương quyết tấn công, truy đuổi. Còn ví dụ trường hợp người dân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì cần tuyên truyền giáo dục, nếu giữ được thì phạt còn nếu họ sợ hãi bỏ chạy thì không cần thiết phải đuổi bắt vì dễ gây tai nạn. Thế nhưng trên thực tế thì sao: Đã có rất nhiều trường hợp cảnh sát săn lùng người không đội mũ bảo hiểm rồi xảy ra xô xát đến nỗi mất mạng người! Đó là vụ anh Nguyễn Văn Khương bị CSGT bắt và đánh chết tại trụ sở công an ở Bắc Giang ngày 23/7/2009; Vụ cô nữ sinh viên Hoàng Thị Trà bị CSGT hóa trang bắn thẳng vào đùi ở Thái Nguyên tối 6/8/2010; Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an phường Thịnh Liệt đánh tại phường Giáp Bát (Hà Nội) và chết ngày 3/3/2011. Vụ ông Lê Văn Út ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị công an xã đánh thành tàn tật ngày 30/11/2011; vụ anh Phạm Văn Thành bị Công an và dân phòng phường Dĩ An, Bình Dương đánh đến gãy tay tối 15/10/2012; vụ anh Võ Hoàng Tâm (KP 2, phường 16, quận 8, TP.HCM) bị cảnh sát khu vực cùng bảo vệ dân phố xông vào tận nhà khám xét rồi đánh cả nhà vào tối 29/12/2012; vụ ông Nguyễn Thanh Liêm bị dân phòng xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM) dùng cây đoản sắt đánh thành thương tối ngày 3/12/2012; vụ anh Đinh Quốc Huy cùng bạn là chị Dương Thị Tuyết (sinh viên một trường cao đẳng) bị công an phường Trần Thành Ngọ quận Kiến An (Hải Phòng) truy đuổi từ quận Kiến An sang tận xã Hồng Thái, huyện An Dương rồi trước mặt đông đảo người dân ở đây, các công an đã đánh bầm dập anh này, khiến anh phải nhập viện vào tối 20/2/2012; vụ anh Huỳnh Nhật Quang bị một viên trung tá, phó Công an xã Tắc Vân, TP Cà Mau bắn thẳng vào đầu khi nạn nhân đã bị bắt, đang bị còng cả 2 tay ngay tại trụ sở công an xã sáng 5/2/2013. Điều đáng ngạc nhiên, sau đó anh Quang còn bị khởi tố vì chống người thi hành công vụ! Cũng chỉ vì cái mũ bảo hiểm mà tối 29/9/2012 em Hoàng Thị Tú, học sinh lớp 11, trú ở xã Trúc Lâu huyện Lục Yên (Yên Bái) bị trưởng Công an xã cùng 2 công an viên truy đuổi và bị bắn giập nát chân khi em này không đội mũ bảo hiểm ngồi trên xe máy của người thân đang lưu thông trên QL 70, đoạn qua Yên Bái, địa phận không thuộc quyền kiểm soát của công an xã!

4- Những lạm dụng tham nhũng

Để quy định được chấp hành triệt để, Nghị định số 146/2007, sau này là 27/2010-NĐCP của Chính phủ cho phép ngay cả công an xã cũng được quyền phạt người không đội mũ, từ mức nhẹ nhất là cảnh cáo, rồi phạt tiền đến 500,000 đồng, thậm chí tịch thu phương tiện (điều 44). Chẳng biết có phải là công an xã hay không, nhiều anh mặc thường phục đứng ra chặn xe để phạt tiền, làm cho bà con ta xanh cả mắt. Thế rồi cũng từ cái mũ bảo hiểm mà giữa anh công an viên của xã với nhiều bà con lối xóm « tắt lửa tối đèn có nhau » trở nên mâu thuẫn đến căng thẳng, vì « thương em tôi để trong lòng, việc chung tôi cứ phép công tôi làm ». Người dân cũng chẳng biết số tiền thu được do việc phạt sẽ được sử dụng vào việc gì, vì trong nhiều trường hợp chẳng thấy có hóa đơn nộp phạt. Chẳng những công an xã phường, vì tiền mà ngay mấy ông dân phòng cũng nhiệt tình xông ra đường chặn người không đội mũ bảo hiểm để xử phạt, làm phát sinh tình trạng LOẠN XỬ PHẠT TỪ CƠ QUAN XỬ PHẠT. Lực lượng CSGT từ một hình ảnh đẹp khi công khai đại diện cho công quyền trên đường phố để chỉ huy, hướng dẫn giao thông, duy trì trật tự an toàn cho người dân, vì cái chính sách về mũ bảo hiểm đã biến thành các đơn vị kinh tế tư nhân. Các anh phải rình rập, phải lén lút nấp sau gốc cây, cột điện, trèo cả lên nóc cổng chào vào thành phố để phạt cho đủ chỉ tiêu!

Câu chuyện chiếc mũ phản ánh thực trạng của khá nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam chúng ta. Cái mũ là đồ vật vô tri vô giác, vô tình đã làm cớ cho người ta sống giả tạo. Người ta giả tạo với nhau và cuối cùng giả tạo với chính mình. Người ta làm hàng giả, đám cưới giả, làm bằng cấp giả mà không hề áy náy lương tâm. Sự dối trá đã ăn sâu nơi nếp nghĩ và hành động của một số người, làm mất đi cảm thức về tội lỗi. Cha mẹ dối trá với con cái, đồng nghiệp dối trá với nhau. Con người đã đánh mất niềm tin nơi nhau, và khi niềm tin đã bị đánh mất thì hậu quả kéo sẽ là sự xuống cấp suy đồi về đạo đức, trong môi trường gia đình cũng như xã hội.

Vậy thì tại sao các vị đại diện cho các cơ quan ban hành chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm không dũng cảm công khai thừa nhận sự thất bại của chính sách đó? Và, khi cái mục tiêu “cao đẹp và nhân văn” của chính sách này đã thất bại thì việc duy trì chính cách còn có ý nghĩa gì nếu không phải chỉ vì lợi ích nhóm? Tại sao các vị không dám mạnh dạn hủy bỏ nó đi?
...

Lê Hương Lan

(Nguồn: http://googletienlang.blogspot.com/2013/03/chuyen-cai-mu-bao-hiem-xin-ung-doi-nhau.html)
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

Trên cái đầu! Empty Re: Trên cái đầu!

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết