Diễn đàn 12A1 Nguyễn Trung Trực
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BÚA XUA TỔNG HỢP

+10
LỆ DIỄM
Cường
Tuấn
An
Hoàng
nklinh1966
DO THAI HUNG
Kim Anh
thanh
Nguyen Van Trung
14 posters

Trang 7 trong tổng số 7 trang Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Go down

BÚA XUA TỔNG HỢP - Page 7 Empty Re: BÚA XUA TỔNG HỢP

Bài gửi by Hoàng Sun Jun 05, 2016 7:38 pm

Lâu rồi, ghé thăm lại diễn đàn, chẳng biết viết gì, đành gởi các bạn câu chuyện này để có chút cảm nghiệm thêm về cuộc đời...

XẾ BÓNG CUỘC ĐỜI - " Thôi, mình đi em nhé..."

Hồi mới qua Mỹ, lần đầu thấy tấm bảng ghi là Estate Sale cắm ở góc đường, tôi đoán là một hình thức bán bớt đồ cũ trong nhà. Như bày bán ở Garage thì gọi là Garage Sale; bày bán ở sân sau nhà thì gọi là Yard Sale; dọn nhà thì người ta bán bớt những thứ không tiện đem theo với bảng cắm là Moving Sale, còn Estate Sale… chắc cũng tương tự. Tự dặn là về phải tra tự điển, nhưng rồi tôi quên luôn! Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, ra đường thấy chữ gì không hiểu thì cứ nhủ lòng về tra tự điển, nhưng bao giờ cũng quên nhiều hơn là nhớ.

Cho tới một hôm tình cờ nghe cô bạn Mỹ làm chung kể chuyện, tôi mới hiểu chính xác Estate Sale là bán sạch gia tài. Cổ kể là vợ chồng cổ mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền, còn rất mới, nhưng với giá chỉ một phần mười giá trị thực của bộ bàn ăn đó. Theo cô ấy cho biết, bộ bàn ăn trị giá năm ngàn đồng, dù nó chỉ còn mới được tám mươi phần trăm, nên có phải mua với giá một, hai ngàn đồng, cô ấy cũng đồng ý mua. Vậy mà vợ chồng cô ấy mua được với giá chỉ năm trăm đồng, từ một căn nhà treo bảng Estate Sale. Cô ấy phải ghi xuống giấy ngày, giờ và địa chỉ của căn nhà đó. Rồi thông báo cho chồng cô ta biết trước mấy ngày để đến đúng hôm đó, hai vợ chồng phải dậy sớm mà đi xếp hàng. Khi lọt được vào ngôi nhà Estate Sale, cô nhanh chóng quyết định, nhưng phải kể là may mắn nên cô đã mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền với giá quá rẻ.
 
Trò chuyện thêm với cô bạn, tôi mới hiểu ra Estate Sale là bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ ly tách muỗng chén, đến quần áo, giường ngủ, tủ trà, bệ thờ; tới cả tranh, tượng, đồ kỷ niệm… Nhưng giá bán của Estate Sale không rẻ như Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale vì không phải là đồ thừa trong nhà. Lý do bán hết các thứ trong nhà vì chủ nhà phải vô viện dưỡng lão chẳng hạn; những người già neo đơn ấy không có thân nhân để có thể cho lại, nên họ bán hết, bán sạch, với giá cao hơn bán đồ cũ, đồ thừa của Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale…Và người Mỹ đi Estate Sale như đi hội chợ, nhất là Estate Sale ở những khu nhà giàu. Ngay từ sáng sớm thiên hạ đã xếp hàng ghi tên, xe đậu dài hai ba blocks đường. Tới giờ mở cửa, người ta tranh nhau mua. Sau đó bưng bê nườm nượp, náo nức như được chia của.
 
Câu chuyện về Estate Sale như một hiểu biết thêm về đời sống Mỹ trong đầu óc mới tới định cư của tôi. Rồi thời gian và cuộc sống cá nhân, gia đình quay cuồng theo cơm áo gạo tiền nên chả nhớ gì tới Estate Sale nữa.
 
Cho tới một sáng cuối thu, đã bảy giờ nhưng mặt trời còn chưa ló dạng. Không gian yên ắng tới chỉ nghe mỗi tiếng đồng hồ tích tắc trên tường. Ngoài cửa sổ, sương còn phủ ngọn đồi sau nhà mờ ảo màu lá vàng phai. Không gian đẹp nhưng buồn quá, nhất là cái lạnh đã len lỏi về, đậu trên những ngón tay cảm giác điêu tàn
 
Tôi đi thay quần áo để lên đường, đi giúp một ông bạn già. Hôm nay ổng bán Estate Sale. Tuy hẹn chín giờ nhưng tôi đi sớm để có thời gian ngồi uống với ông bình trà. Bởi đêm qua thao thức về ông, tôi nghĩ sau hôm nay, có thể là lần cuối tôi gặp ông trong đời. Nhớ lại, tôi quen biết ông chừng năm, bảy năm trước, dịp tôi phỏng vấn Cựu Thiếu tướng Đỗ Kế Giai ở Trung tâm sinh hoạt cao niên trong thành phố. Bữa đó, chính ông đã đến bắt tay tôi trước, hỏi tôi có phải là Phan mà ông thường đọc đó không? Tôi có cảm tình ngay với một người lớn tuổi, hiền lành, đôn hậu. Tình thân chưa có nhưng lòng cảm mến thì nhiều, tôi cho ông số điện thoại để tiếp tục nói chuyện vào dịp khác bởi tôi đang bận với cuộc phỏng vấn…
 
Rồi tình thân nảy nở sau những lần ông mời tôi đi uống cà phê, rất thỉnh thoảng, nhưng ông thực sự có hiện diện trong tôi như một người bạn mà tôi thường tự trách là ít thăm hỏi ông, hay mời ông đi uống ly cà phê. Giao tiếp với người già chỉ mất ít thời gian mà được lợi rất nhiều về kiến thức và kinh nghiệm sống. Biết thế, nhưng khi có thời gian rảnh thì tôi vẫn đi chơi với bạn trẻ nhiều hơn; Chỉ khi cần hỏi, là cần tới người già thì tôi mới nhớ tới ông, gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê… để hỏi. Tôi là một con người hiện đại qua cách tìm thông tin là biết hỏi ai; và ông bạn già là người thuộc thế hệ cũ qua việc sẵn sàng cho không kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cả đời. Sự cho và nhận co giãn theo tuổi đời thì tôi co ông giãn. Đó là ý nghĩ hôm trời mới chớm thu, tôi gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê vào một sáng cuối tuần. Hôm đó, tôi không có gì để hỏi ông mà chỉ là bỗng nhớ tới một người bạn mà quỹ thời gian của người đó không còn nhiều nên tôi dành thời gian rảnh rỗi có được cho ông.
 
Hôm đó ông nói với tôi là, “…anh cũng đã già.” Tôi tin nhận xét của ông vì tôi đã vừa từ chối bạn bè trang lứa rủ nhau đi nông trại của một người bạn từ sáng sớm để hạ một con dê và nhậu tới chiều. Chắc chắn là một cuộc vui, nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn. Bạn bè chưa già thì còn dịp khác để gặp. Nhưng ông bạn già hiu hắt như gió thu, hôm tình cờ gặp nhau ngoài chợ, lòng tôi bất an sau khi chia tay…
 
Hôm đầu thu đó, hỏi thăm ra mới biết, vợ ông đã qua đời hồi hè. Ông không cho tôi biết vì bà đi thăm con gái với cháu ngoại bên Cali, bị đột qụy và mất luôn ở bên ấy. Ông muốn đưa bà về Dallas để lo ma chay vì bà đã sống ở Dallas mấy chục năm. Nhưng người con trai ông sống ở Dallas thì lại muốn em gái lo ma chay cho mẹ luôn bên Cali cho tiện. Cái lý của anh ta đưa ra là chết ở Mỹ thì lo ma chay ở đâu cũng chỉ là cái nhà quàn như nhau
 
Tôi chỉ quen biết ông như một người viết và một độc giả, chưa bao giờ tôi uống với ông một ly bia vì ông không rượu bia, không thuốc lá. Nhưng hôm đầu thu đó, ông tự tay mượn điếu thuốc lá đang cháy dở trên tay tôi; ông hút một hơi thuốc thật sâu, rồi trả lại tôi. Tôi sợ ông sặc, nhưng ông không sặc như tôi sợ. Ông nhả khói chậm rãi, và chìm vào tâm sự, “Tôi chưa bao giờ nói với anh, cũng không nghĩ tới chuyện nói với ai. Nhưng nỗi buồn trong tâm khảm tôi lớn dần như mầm bệnh ung thư tới hồi bộc phát. Tôi biết là trước sau gì cũng chết, tôi không sợ chết, chỉ buồn lòng người làm cha mà không biết dạy con mình…”
 
“…Vợ chồng tôi chỉ có hai người con. Lo được cho thằng lớn ăn học tới ra đại học không phải nợ tiền học đồng nào. Nó đi làm, lãnh lương cất riêng vào trương mục nhà băng của nó. Ngày ngày vẫn về nhà ăn, ở, cha mẹ lo. Nó cho đó là lối sống Mỹ, và nó chọn cách sống ấy.
 
"Cha mẹ đừng tọc mạch vào thu nhập của con cái". Nhưng khi nó muốn lấy vợ thì nó chọn lối sống của người Việt là dù sống ở đâu trên địa cầu thì chuyện cưới hỏi của con cái, cha mẹ người Việt cũng đứng ra lo cho con
 
Thế là vợ chồng tôi lo cưới vợ cho con trai. Tôi không lấy gì làm buồn lòng vì cha mẹ tôi cũng đi cưới vợ cho tôi khi xưa. Nhưng rồi con tôi muốn mua nhà. Nó trình bày với vợ chồng tôi, nó mua nhà trăm rưỡi, cần mượn nhà băng một trăm ngàn, nếu trả trong ba mươi năm thì tổng số tiền nó phải trả cho nhà băng lên tới ba trăm ngàn. Nghĩa là một trăm ngàn vốn với hai trăm ngàn tiền lời trong ba mươi năm. Nó muốn cha mẹ giúp đỡ cho nó mượn một trăm ngàn, để nó trả dứt căn nhà ngay khi mua, không phải trả tiền lời cho nhà băng. Nếu nó phải trả ra số tiền ba trăm ngàn trong ba mươi năm, thì mười năm cho một trăm ngàn. Nó sẽ trả cho cha mẹ một trăm ngàn trong mười năm là khả năng có thể.
 
Tôi bắt đầu thất vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho nó mượn. Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói gém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ học như nó? Tôi suy nghĩ nhiều đêm, đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra nó, chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được… Nhưng tôi thất bại trong chuyện dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng tình mẫu tử càng lên ngôi.
 
Nó trả lời cho tôi câu hỏi, ‘tiền đâu để lo cho em nó?’ ‘Thì ba mẹ lấy tiền con trả hàng tháng để lo cho nó.’ Tôi định hỏi câu hỏi quan trọng nhất theo kinh nghiệm của tôi là, ‘Nhưng con có chắc là con sẽ trả cho ba mẹ hàng tháng. Hay trả vài tháng… rồi quên luôn?’
 
Tôi thương vợ tôi nên đã làm điều tôi biết trước nhưng vẫn làm là tôi cho con trai tôi mượn một trăm ngàn. Vợ tôi mất tinh thần nhiều năm sau đó vì đúng là nó không trả. Nhưng chúng tôi được trời phật cho lại đứa con gái muộn màng. Nó là nguồn an ủi, niềm vui còn lại cho vợ chồng tôi. Lúc nào nó cũng vui vẻ nói là ba mẹ chết rồi thì tài sản cũng để lại cho anh em con thôi. Thì anh Hai cần trước thì anh Hai lấy trước. Ba mẹ đừng có giận anh Hai nữa, chỉ tổn hao sức khoẻ cho ba mẹ thôi. Còn con, nợ học thì ai đi học ở Mỹ mà không nợ. Chừng con ra trường thì con trả. Ba mẹ đừng lo nữa…
 
Con bé lạc quan nói sao làm vậy. Về sau, nó lấy chồng bên Cali nên về Cali sống. Vợ tôi muốn bán nhà, dọn về Cali ở với con gái thì thằng con trai không cho đi vì bà nội phải ở Dallas để trông con cho vợ chồng nó đi làm…
 
Đến cái chết đột ngột của mẹ nó. Tôi muốn đưa bà ấy về Dallas để lo ma chay vì bà ấy sống ở đây đã như là quê hương. Nó ngại tốn kém nên lý lẽ bất dung tình với cả cha mẹ. Tôi không buồn sao được anh…”
 
Ôi, cái hôm đầu thu đó! Nhớ lại sao mà buồn. Và tại sao lại có hôm nay, tôi đến giúp ông bạn bán Estate Sale, bán hết gia tài một lần để giã biệt. Buổi chiều cuộc đời như không gian thu tràn ngập lá vàng bay, những nảy nở mùa xuân, khoe sắc hạ, thu úa, đông về… Người ta có sống tới trăm tuổi thì mùa thu thứ một trăm của cuộc đời cũng phải rời bỏ ngôi nhà không cần bật đèn giữa nửa đêm cũng biết lối đi tới nơi muốn tới; bán bỏ cả cái thìa khuấy ly cà phê mỗi sáng đã không thể nhớ nổi nó có trong nhà từ bao giờ mà người gia chủ chỉ nhớ chắc là khuấy ly cà phê bằng cái thìa khác sẽ không ngon; bức tranh mua garage sale có vài đồng bạc hồi mới qua Mỹ, nhưng không có nó trên tường nhà thì cứ tưởng mình đang ở chơi nhà bạn, hay nhà bà con chứ không phải nhà mình; đến tiếng cái đồng hồ nhà mình cũng khác hẳn tiếng đồng hồ nhà khác mà chỉ có mình phân biệt được… lại còn nắm đất quê hương trên bàn thờ, hồi ra đi mình mang theo để nhớ đường về. Nhưng nó nằm im lặng đã bốn mươi năm. Bây giờ người đem nó đi còn gởi lại nắm xương ở quê người thì nắm đất quê hương ấy trở thành oan nghiệt. Cho không ai lấy, bán chẳng ai mua, mà ném qua cửa sổ thì hóa ra mình đã biến thành thú vật.
 
Tôi ứa nước mắt trên tay lái, làm sao ông bạn tôi có thể sống sau hôm nay khi chính tay tôi bán hết những gì đã gắn bó với ông cả đời. Tôi, chính tôi, đã tiếp tay thần chết sớm bắt ông rời bỏ thói quen và kỷ niệm; rồi rời bỏ tới người thân; cuối cùng là rời bỏ cuộc đời… Nhưng nhớ lại tâm sự đầu thu của ông, ông đi dự đám tang của vợ ông bên Cali như người quen biết cũ, mấy chục năm vợ chồng còn lại cái trống không trong lòng già; con trai ông đi dự đám tang của mẹ dửng dưng đến mức đường về, anh ta nhắc ông trên phi cơ là ba phải làm di chúc căn nhà lại cho con, vì ba đi đột ngột như má thì chính phủ lấy nhà…
 
Tôi nghĩ chắc anh ta không chỉ muốn lấy căn nhà đã trả hết mà muốn lấy luôn cả phần bảo hiểm nhân thọ của cha nên mới chọc giận ông đúng thời điểm tinh thần và thể lực của ông suy kiệt nhất sau mấy ngày đám tang bên Cali. Tôi biết anh ta, có gặp mặt vì Dallas đâu có mấy nhà hàng của người Việt. Nhưng chưa chào hỏi anh bao giờ để cất giữ bí mật cho cha anh – là bạn tôi. Anh là ai trong gia đình lớn của anh, gia đình nhỏ của anh, trong xã hội anh đang sống… tôi không quan tâm tới địa vị hay tên tuổi của anh ở địa phương. Tôi chỉ biết là tôi đã có lỗi với một người không có lỗi gì với tôi là anh. Tôi đã đồng ý với con gái của ông bạn, dù chỉ nghe ông kể, “…con còn phải đi làm và lo lắng cho gia đình con. Con không thể chăm sóc cho ba mỗi ngày như má. Nhưng má mất rồi thì ba không thể ở một mình. Ba có chuyện gì, không ai biết, không ai hay… làm sao con yên tâm. Con xin ba giao hết nhà cửa cho anh Hai… muốn làm gì làm bên Dallas. Ba về Cali với con. Ba phải ở viện dưỡng lão vì con không thể và không có thời gian để lo cho ba như má. Nhưng vài hôm con sẽ có thời gian ghé thăm ba một, hai tiếng đồng hồ; con nấu được gì ngon, con đem vô cho ba ăn… ba có chuyện gì, người chăm sóc cho ba sẽ báo ngay cho con, con vô ngay với ba…”
 
Tôi có tào lao lắm không khi khi không lên tiếng về chuyện nhà người khác? Tôi nói với ông hôm đầu thu, “Chia buồn với ông về sự mất mát người thân nhất của ông mà tôi không biết, cho dù ông có cho hay thì tôi chắc cũng không có điều kiện bay qua Cali để viếng tang của bà. Thôi thì ngày nào còn sống hãy tính chuyện đời cho xong để êm xuôi khi ra đi. Ông bà đã giúp con trai không phải nợ tiền học. Tôi tính nhanh là đã cho anh ta năm chục ngàn. Ông bà cho mượn một trăm ngàn mua nhà – và không hoàn lại. Vậy là ông bà đã cho con trai một trăm năm chục ngàn. Nên bây giờ ông bán căn nhà đã trả hết mà ông đang ở, cũng cỡ một trăm năm chục ngàn. Số tiền đó cho hết con gái, là công bằng với con cái.
 
Ông về Cali sống với đề nghị của con gái là hoàn toàn hợp lý. Số tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ ông, gởi con gái để lo cho ba những ngày cuối đời ba, lo cả hậu sự cho ba. Thừa thiếu gì thì tôi tin là con gái ông không tính toán với ông. Còn phần bảo hiểm nhân thọ của ông thì di chúc lại cho con gái. Nhưng chỉ nhờ cô ta quản lý số tiền đó để về sau chia đều cho hết cháu nội, cháu ngoại của ông bà. Cứ đứa nào vô đại học thì được nhận một khoản tiền do ông bà để lại cho con cháu ăn học. Tôi biết, với đà lạm phát và trượt giá ở nước Mỹ thì số tiền học bổng miễn hoàn lại cho con cháu sẽ không nhiều, nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với đời thứ ba của gia đình ông trên nước Mỹ…”
 
Câu chuyện đầu thu mới đó mà đã cuối thu rồi! Ông bạn tôi đúng là người độ lượng như tôi đã tin ông như thế! Ông giao căn nhà cho con dâu để cho mướn kiếm thêm tiền chợ cho cháu nội ông được sống sung túc hơn. Ông di chúc lại căn nhà cho con dâu của ông chứ không bán. Giấy tờ xác quyết là tài sản riêng của con dâu, “để nhỡ… vợ chồng con xảy ra chuyện bất trắc gì sau khi ba mất. Thì ba mẹ chỉ giúp được con một chỗ ở để nuôi mấy đứa cháu nội của ba mẹ. Cảm ơn con.”
 
Ông cho hết con gái khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ cô ấy. Ông nghe tôi về khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông. Ông chỉ còn giữ lại hàng hà kỷ niệm trong từng đồ vật mà tôi đang bán ra cho những người không quen biết. Thế nên mắt ông lạc thần trông theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông lần cuối khi ra cửa một mái ấm gia đình đã tới hồi kết.
 
Buổi sáng một ngày cuối thu mà tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn ông biệt xứ lúc cuối đời, tay khép lại cánh cửa nhà mình lần cuối, bình thản nói với vợ, “thôi, mình đi nghe em…” là di ảnh của bà mà ông kẹp ở nách để khoá cửa ra đi...
 
Ngoài đường, những trang trí cho ngày lễ Halloween đã lên đèn dọc lối đi. Tôi nhìn ông thả bộ ra xe mà thấy một kiếp người đến với cuộc đời cách nay tám mươi năm, chỉ có tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Bởi ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi. Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khoá cửa, cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc, nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình. Tôi nhìn theo ông ấy tan vào thế giới ma quỷ và màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale của ông bạn.
 
Tới Estate Sale của tôi, cũng là kinh doanh từ vốn một tiếng khóc chào đời, tôi sẽ kẹp nách mang theo được gì lúc ra đi? Chỉ biết chai rượu thường nhưng để lâu năm cũng ngon như nước cam tuyền… từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau.
 
Đâu đó là thơ Bùi Giáng. Nên, uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…
 
Khi hiểu được thơ Bùi Giáng thì cuộc đời coi như đã tàn thu. Còn bạn?
 
Phan
Hoàng
Hoàng

Tổng số bài gửi : 1431
Join date : 22/06/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

BÚA XUA TỔNG HỢP - Page 7 Empty Re: BÚA XUA TỔNG HỢP

Bài gửi by thanh Thu Jun 09, 2016 10:02 am

Câu chuyện hay, cám ơn Hoàng đã post lên, giọng văn của ông Phan này rất đồng cảm như thể ông ta là người trong cuộc vậy!

Cuộc đời này là vậy,  bản thân tui cũng đồng cảm với anh Phan và ông bố trong câu chuyện này.

Mình ấn tượng với đoạn này:

"....Tôi bắt đầu thất vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho nó mượn. Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói gém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ học như nó? Tôi suy nghĩ nhiều đêm, đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra nó, chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được… Nhưng tôi thất bại trong chuyện dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng tình mẫu tử càng lên ngôi..."

Nhưng mình không đồng ý câu "...Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này..."
Xứ sở nào cũng vậy các bạn ơi, bản thân tui cũng cảm thấy bất hiếu vì đã làm gì được cho bố mẹ mình đâu..?

Thôi ráng sống sao cho bớt hổ thẹn với bản thân mình mỗi khi nghĩ lại quãng đời đã qua, kể cả khi đã nhắm mắt lìa xa cuộc đời này... ?! Nếu được cho còn có cảm giác như vậy trong cuộc sống đời sau...!
thanh
thanh

Tổng số bài gửi : 858
Join date : 28/06/2010
Age : 57

Về Đầu Trang Go down

BÚA XUA TỔNG HỢP - Page 7 Empty Re: BÚA XUA TỔNG HỢP

Bài gửi by thanh Fri Jun 10, 2016 11:14 am

Thật ra chuyện gì cũng có nhân quả, mọi chuyện trên đời này cũng vậy. Phước đức của cha mẹ phần lớn là do cách mình ăn ở ra sao, dạy dỗ và đối xử với con cái như thế nào khi chúng còn nhỏ.

Nhân đây T xin post thêm 1 chuyện nữa, đọc để hâm nóng lại cái đàn này:


BÀ MẸ TÂY
                                                                                                

 
Tác giả là một Dược Sĩ hồi hưu. Ông tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Saigon 1968. Định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên một chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể]. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
 
                                                                    * * *
       Gió Đông gió Tây, gió nào đã đưa cậu tới đây?
- Chẳng có gió Đông, chẳng có gió Tây, chỉ có "gió chướng" thôi. Gió chướng đã mang tôi tới đây để gặp tên bạn "khỉ gió" thuở còn tắm truồng đấy!
- Cậu lúc nào cũng ăn nói "khó tiêu". Dễ có trên ba chục năm không gặp cậu. Thú thật đi, có phải cậu đến đây để thăm bà bé không? Tôi không mách bà xã cậu đâu. Đừng lo.
- Cậu đoán đúng mới có một nửa. Đúng, tôi vừa đi thăm viếng một người đàn bà.
- Ai thế? Tôi có biết người đó không?
- Có thể cậu biết. Bà mẹ tôi ấy mà.
- Cậu không đùa đấy chứ. Mẹ cậu đã mất ở VN. Tôi cùng bạn bè đã gửi lời chia buồn từ ngày nảo ngày nào rồi. Hay là mẹ của mẹ bầy trẻ? Nhưng mà bà xã của cậu mồ côi mẹ mà!
- Không, bà mẹ nuôi, bà Steinberg mà tôi đã có lần nói với cậu khi mới tới thành phố này đó. Nhớ không? Đây là lần đầu tiên tôi đi tảo mộ. Tôi ở bên bà suốt buổi sáng nay rồi đi ăn trưa với lão luật sư già của bả.
- Nhớ, nhưng tôi chưa hề nghe nói cậu là con nuôi của bà triệu phú từ tâm này. Ê, đừng thấy sang bắt quàng làm họ nhé. Khi cậu rời khỏi nơi đây thì bả cũng đã qua đời. Tôi nhớ rất rõ.
- Hồi đó tụi mình chưa an cư nên tuy ở gần mà như nghìn trùng xa cách, chả mấy khi được ngồi tâm sự như bây giờ nên cậu không biết. Chuyện dài lắm, tôi sẽ kể cho cậu nghe. Bây giờ tụi mình đi kiếm cái gì lót dạ đã.
Buổi tối hôm đó, đôi bạn tri kỷ đối ẩm, nói chuyện "cổ tích".
 
              Năm tôi đến đất nước này, chu kỳ suy thoái kinh tế bắt đầu. Việc làm hiếm hoi, nhưng chính phủ vẫn mở rộng vòng tay nhân ái tiếp nhận người tỵ nạn. Cậu có bà xã giỏi giang, đi làm nuôi chồng con. Cậu chỉ lo nội trợ, đưa đón con cái đi học, có thì giờ rộng rãi dồi mài kinh sử. Còn tôi, độc thân tại chỗ, vợ con còn kẹt lại VN, một cảnh hai quê. Vừa mong mau chóng ổn định cuộc sống vừa mong đủ điều kiện tài chánh bảo lãnh gia đình.
 
Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày phải đi ăn mày chính phủ Canada. Mỗi tuần sắp hàng ngửa tay nhận chi phiếu bảy chục đô la, rồi còn bị cô thư ký người Việt nói xỏ xiên, thúc giục tìm việc. Tôi đã cảm nhận tất cả ê chề nhục nhã của kiếp tha hương.
 
Rất may mắn, tôi đã gặp cậu và được cố vấn nên sau vài lần xin việc bị từ chối khéo, tôi điền đơn tại bệnh viện Montford theo đúng lời cậu chỉ dẫn. Lý lịch khai rất gọn, phần học vấn bỏ trống, không ghi tốt nghiệp đại học VN. Xin làm Pharmacy Attendant, công việc sai vặt trong khoa dược.
 
Bà trưởng phòng nhân viên bệnh viện đọc hồ sơ, ngước mắt nhìn tỏ vẻ thương hại rồi nói, được rồi, anh cứ về, khi nào có chỗ trống sẽ gọi phỏng vấn.
Vừa định đứng dậy thì bà ra dấu cho tôi ngồi xuống, ngập ngừng... Tôi biết bên hospice, nhà an dưỡng của bệnh nhân cận tử, đang cần một orderly nam, tức y công đàn ông. Nếu anh không ngại tôi sẽ giới thiệu. Đang đói việc, tôi bằng lòng ngay, bất cứ việc gì.
Y tá trưởng của hospice vui mừng đón nhận tôi.
Bà cho biết công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự nhẫn nại hơn bình thường. Chỉ phục vụ một bệnh nhân đặc biệt và khó tính. Gia đình bệnh nhân này là ân nhân của bệnh viện, đã hiến tặng toàn bộ xây cất và các trang thiết bị cho hospice nên tên của người chồng quá cố, "J.D. Steinberg" được vinh danh trên bảng đồng.
Bà thành thật cho biết đã có 2 nữ y công bị trả lại vì bệnh nhân không hài lòng và thêm một nữ nữa bỏ việc vì không chịu nổi áp lực.
Tuy nhiên lương bổng rất hậu hĩnh. Bệnh nhân này sẵn sàng trả thêm tiền thưởng tương đương với tiền lương của bệnh viện.
Bà muốn thay đổi, đề nghị tuyển nhân viên nam, hy vọng nam có sức chịu đựng tốt hơn nữ.
 
Bệnh nhân là bà Steinberg, khoảng gần bảy chục tuổi, bị ung thư buồng trứng, đã di căn, giai đoạn cuối. Đẹp lão, mập mạp, tướng mệnh phụ. Bà tiếp tôi lạnh lùng, sau khi cô chuyên viên trang điểm rút lui. Hỏi vài câu vắn tắt lấy lệ, rồi cho tôi kiếu.
 
Quả thật công việc rất nhàn hạ, nhưng không thơm tho. Bác sĩ, y tá thăm bệnh và cho thuốc men theo thời khoá biểu. Cô quản gia kiêm thư ký công ty của gia đình trình diện vào buổi trưa mỗi ngày, đem thức ăn khoái khẩu của bà và quần áo mới. Tôi chỉ giúp bà làm vệ sinh tiêu tiểu buổi sáng, ngay trên giường và đổ phân vào cầu. Buổi chiều, sửa soạn bồn tắm, giúp bà làm vệ sinh thân thể và đẩy xe đưa bà đi dạo. Ngoài ra, chùi rửa phòng, thay bọc trải giường, mang quần áo chăn mền qua phòng giặt ủi...v...v... Thỉnh thoảng ghé mắt xem bà có cần sai bảo gì không. Khẩn cấp thì phải chạy tìm y tá bác sĩ trực.
 
Tôi được sắp xếp cho ở góc cuối phòng, ngăn bằng chiếc màn kéo, đủ kê chiếc giường đơn, ghế nằm và bàn viết. Một ngày chỉ thật sự làm việc độ 3 hoặc 4 tiếng, ăn uống ở câu lạc bộ. Thời giờ quá dư thừa nên tôi mượn sách chuyên môn của thư viện đọc, mơ một ngày nào đó sẽ lấy lại được bằng hành nghề.
 
Một buổi tối, bà rên khò khè đau đớn, tôi chạy lại thì nghe bà quát, đi lấy cho ta cái "donut" ngay. Ta cảm thấy khó chịu quá!
Tôi cuống quít nói, thưa bà giờ này quá khuya, e không có tiệm bánh donut nào mở cửa, bà có thể chờ đến sáng sớm mai không?
Bà nổi quạu, phán, đồ ngu! Xuống bảo y tá trực đưa.
Tôi răm rắp chạy báo cáo bà y tá già. Bà cười ngặt nghẽo, đưa cho tôi cái vòng cao su mầu cam trông giống như ruột xe vespa, bảo, đấy, donut là cái này này.
Tôi vỡ lẽ, té ra donut cũng là tên gọi của cái vòng đệm cao su, dùng để kê dưới bàn tọa cho êm.
 
Mấy ngày sau, khi đã hơi khoẻ, bà ngoắc tôi lại, ra lệnh, ê thằng Tầu con, xuống kêu con nhỏ làm tóc lên chải đầu cho ta. Hôm nay ta có khách lại thăm.
Bị chạm nọc nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh, khẽ thưa, xin bà đừng gọi tôi là Tầu con. Tôi đã 36 tuổi rồi và là người Việt Nam không phải Tầu.
Trái với sự mong đợi của tôi, bà tỏ vẻ thân thiện, ngồi thẳng dậy, tròn mắt, hỏi lại, Việt Nam? Việt Nam? Con trai của ta chiến đấu ở VN và đã mất tích từ năm 1970, cũng trạc tuổi của mi.
 
Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngờ ngợ có sự liên quan tới Bác sĩ John Steinberg mà tôi quen biết khi còn trong quân đội.
Kể từ đó, mỗi khi có dịp, tôi gạ gẫm bà kể thêm về người con trai. Bà rất hứng khởi.
Sự nghi ngờ ban đầu đã dần dần sáng tỏ. Gom góp các chi tiết và đối chiếu các sự kiện, tôi đã chắc đến 99.99% John Steinberg, con trai của bà, và BS John Steinberg, bạn tôi, là một người bạn quí.
 
Theo bà, John là một đứa trẻ có nhiều cá tính ngay từ nhỏ. Thông minh, bướng bỉnh, tinh thần tự lập cao. Nhiều tự ái, nóng tính, hơi cố chấp và đặc biệt xung khắc với cha.
Ông Steinberg muốn hướng chàng thành một doanh gia. John, trái lại, thần tượng BS Albert Schweitzer. Ước vọng trở thành thầy thuốc giỏi, từ bỏ thế giới văn minh, đến các xứ nghèo Phi châu, mang tài năng và nhiệt tâm phục vụ không điều kiện.
 
Sau khi tốt nghiệp y khoa Mc Gill, lúc chuẩn bị nội trú chuyên ngành tại bệnh viện Ottawa thì xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai cha con. John giận cha, bỏ qua Mỹ, tình nguyện nhập ngũ. Được huấn luyện quân sự tại Fort Bragg và tu nghiệp chuyên môn tại Womack Army Medical Center NC. Y sĩ Đại uý John Steinberg sau đó được gửi qua Việt Nam, bổ sung toán quân y thuộc liên đoàn 5 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, đóng tại Nha Trang.
John vẫn thư từ liên lạc với bà mẹ đều đặn. Cho đến một buổi chiều ảm đạm mùa thu năm 1970, ba sĩ quan đồng ngũ của binh chủng gõ cửa báo tin con bà đã mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ, được ghi vào danh sách M.I.A.
Ông Steinberg bị nỗi hối hận dầy vò, tự đổ lỗi cho chính mình, đã đưa đẩy con trai vào chỗ chết. Ông qua đời ba năm sau.
 
 
 
Thời gian John công tác, tôi đang làm việc tại bệnh xá gia đình binh sĩ cũng đồn trú Nha Trang.
Chúng tôi cùng đi làm dân sự vụ thường xuyên tại các bản thượng hẻo lánh nên quen biết rồi thân nhau. Thỉnh thoảng tụ tập ăn uống nhậu nhẹt tại các quán bờ biển hoặc đi nghe nhạc phòng trà.
 
Khi tin John tử trận bay đến phòng làm việc, tất cả ban quân y chúng tôi đều bàng hoàng. John và toán dân sự vụ Việt Mỹ chết bỏ xác khi máy bay trực thăng trục trặc kỹ thuật, đáp tạm xuống bãi đất hẹp gần nhánh sông chảy xiết. B40 bắn rớt ngay lúc vừa cất cánh trở lại. Duy có một y tá VN tên Công thoát hiểm một cách kỳ diệu. Hắn ngụp lặn, bơi ngược dòng nước, băng rừng suốt đêm đến được nơi an toàn.
Quá hoảng loạn trong nỗi kinh hoàng tột độ, y tá Công bị hậu chấn thương nặng, chuyển về khoa tâm thần tổng y viện Cộng Hoà điều trị vài tháng rồi được cho giải ngũ. Hắn vẫn đến xin thuốc an thần và thuốc ngủ đều đặn nên từ đó anh em đổi biệt danh "Công ngủ" thành "Công không ngủ".
 
Những năm cuối của thập niên 70 và đầu thập niên 80, tôi hay lang thang khắp chợ trời. Tình cờ gặp lại "Công không ngủ". Hắn đã lột xác, trông bảnh bao, da dẻ hồng hào, ra dáng công tử vườn. Hắn khoe buôn bán thuốc tây, thu nhập khấm khá. Hắn bỏ một buổi buôn bán, mời tôi đi nhậu ở tiệm ăn sang trọng trên đường Nguyễn Huệ. Đãi rượu Martell và thuốc thơm ba số. Lúc đã ngà ngà, hắn nhắc lại chuyện cũ. Bật mí tất cả những gì chưa từng bật mí.
 
 
Chiếc trực thăng chao đảo vì phi công bị B40 xuyên nát cổ. Đủ loại súng thi nhau nhả đạn, mọi người nhốn nháo chen nhau nhảy xuống. Đạn đan tròng tréo, có người rớt lịch bịch, có người nằm xuống khi chân chưa chạm đất. Bác sĩ Steinberg cùng hắn và vài người nữa chạy thẳng xuống sông. Các người kia bơi theo dòng nước. Ông bác sĩ Mỹ to cồng kềnh, bơi hoặc lặn cũng không ổn nên tìm chỗ ẩn nấp dưới đám lau sậy. Vốn là dân xóm Cồn, giỏi bơi lội, lại nhỏ con nên "Công không ngủ" nhanh như chớp, phóng xuống giữa dòng, vớ một ống sậy dài, ngậm thở, lặn ngược dòng, đánh lạc hướng của nhóm du kích chạy xuôi trên bờ đang truy đuổi từng người. Nghe tiếng súng AK nổ ròn rã, hắn biết những bờ bụi chắc chắn là những mục tiêu bị nhắm bắn. Hắn tự khen mình thông minh, không trốn theo ông bác sĩ cũng không bơi xuôi giòng. Rất có thể nhiều người đã lãnh đủ những tràng đạn vừa qua.
 
Đợi khi bóng dáng đám du kích đã hoàn toàn mất hút, hắn bơi đến chỗ ông bác sĩ thăm dò. Vùng máu loang lổ đang lan rộng chứng tỏ ông đã trúng đạn. Sờ mũi, vạch mắt, nghe tim, biết ông đã chết, hắn chỉ kịp mở nút gài túi áo trên lấy chiếc ví dầy cộm, lột chiếc đồng hồ trên tay.
Tiếng đám du kích vui cười nghe rõ dần, có lẽ họ trở lại thu nhặt chiến lợi phẩm. Hắn đẩy xác ông bác sĩ ra giữa dòng để gây sự chú ý, giúp hắn có thêm thì giờ lặn ngược dòng trốn càng xa càng tốt.
Nằm ếm dưới nước, chờ trời tối, hắn bước nhanh vào khu cây cối rậm rạp, nhắm hướng sao đi tới. Rạng sáng, hắn gặp một người đàn bà thượng đeo gùi sau lưng, địu con phía trước đi làm rẫy. Hắn bập bẹ vài tiếng thượng học được, xin chỉ đường đến đồn bót gần nhất.
Bài học mưu sinh thoát hiểm, cộng với may mắn cùng sự giúp đỡ của người dân tốt bụng đã đưa hắn trở về bình yên.
Lợi dụng việc sống sót hy hữu sau tai nạn, hắn đã đóng kịch rất khéo, giả bệnh, qua mặt được mọi người và giải ngũ.
 
Hắn cho biết trong chiếc ví của ông bác sĩ, ngoài số tiền mặt khá lớn, đủ để hắn sửa sang nhà cửa và mua chiếc xe Honda 90 đời mới, còn có một lá thư, một tấm hình, vài thứ giấy tờ linh tinh.
Hắn cho tôi địa chỉ nếu muốn đến xem. Tôi không có dịp vì còn mải lo chuyện vượt biển.
 
Sự sống của bà Steinberg kéo dài hơn ước tính của các bác sĩ. Bà cho là lời cầu nguyện của bà đã được lắng nghe và hy vọng phép mầu nhiệm sẽ đến qua ơn cứu rỗi.
Một tuần trước sinh nhật, bà điện thoại cho hai cô con gái lớn nhắc nhở. Năn nỉ các con cháu sẽ đến và ở chơi với bà một buổi. Bà dặn tôi đến ngày đó phải thu dọn căn phòng trống kế bên sạch sẽ, kê thêm bàn ghế và phụ giúp nhà hàng chăm lo phần ẩm thực.
Tôi chợt có ý nghĩ nhân dịp này sẽ tặng bà một món quà sinh nhật bất ngờ. Đánh điện tín nhờ vợ tôi mang đến "Công không ngủ", hẹn giờ ra bưu điện nói chuyện điện thoại viễn liên.
Tôi ngỏ ý muốn mua cái ví của BS Steinberg cùng tất cả các thứ trong đó. Thỏa thuận xong giá cả, tôi yêu cầu hắn tạm thời fax ngay cho tôi những thứ có trong chiếc ví.
Ngày hôm sau, chỉ nhận được bản fax của lá thư và tấm ảnh, nhìn không rõ lắm nhưng chữ có thể đọc mò được.
Tiền thì hắn nhận đủ nhưng chiếc ví không bao giờ được gửi. Về sau nghe chú hắn nói, hắn đang tìm đường vượt biên và cái ví sẽ là lá bùa khi xét ưu tiên định cư Mỹ.
Sau nhiều năm không ai nhận được tin tức về chuyến tầu của hắn. Có lẽ cái ví cũng theo hắn định cư dưới lòng đại dương.
 
Buổi sáng sinh nhật, bà dậy thật sớm tuy cả đêm trằn trọc. Người làm tóc, người trang điểm bận tíu tít. Người ta thay cho bà một bộ đầm sang trọng. Trông bà tươi tỉnh, cười nói huyên thuyên, không ai nghĩ rằng đó là một bệnh nhân sắp từ giã cõi trần. Bà nói đã lâu lắm rồi, không thấy mặt mấy đứa cháu ngoại, không biết chúng nó cao lớn thêm và xinh đẹp như thế nào. Bà tưởng tượng sẽ ôm từng đứa, sẽ phủ mưa hôn trên từng phân vuông của những khuôn mặt thiên thần. Sau đó nếu Chúa có bắt đi ngay bà cũng an lòng. Chỉ tưởng tượng thôi mà cảm xúc đã dâng trào trên niềm hạnh phúc ảo.
 
Các tiếp viên nhà hàng mang thức ăn bầy biện đẹp mắt, chiếc bánh sinh nhật hấp dẫn đặt giữa bàn. Tất cả kiên nhẫn chờ được phục vụ.
Suốt từ sáng đến quá trưa, bà bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vẫn không thấy con cháu xuất hiện. Toàn thể nhân viên hospice không chờ đợi được nữa, bàn nhau tụ tập vây quanh bà, vỗ tay hát bài mừng sinh nhật. Bà gắng gượng ngồi nghe đến câu cuối, xua tay ra dấu mệt mỏi, để nguyên quần áo nhờ tôi đỡ lên giường.
Cô thư ký lăng xăng lên xuống, liên tục điện thoại khắp nơi, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Buổi chiều, cô trở lại buồn bã báo tin, cả hai gia đình của hai con gái bà đang vui chơi ở Disney World Orlando Florida từ vài ngày nay.
 
Bà Steinberg suy sụp tinh thần thấy rõ. Không ăn uống. Đóng cửa, không tiếp bất cứ ai. Tôi trở thành liên lạc viên duy nhất của bà với bên ngoài. Rất khó khăn ép bà uống thuốc đúng giờ.
 
Tối hôm đó, cơn đói đánh thức, bà sai tôi mua một tô súp gà và ly sữa. Tôi mua thêm một chiếc bánh chocolate donut và một cây đèn cầy. Bà chỉ húp vài muỗng súp và một phần ly sữa. Tôi mở bao lấy chiếc donut để trên đĩa giấy, thắp cây đèn cầy, bưng về phía bàn ngủ. Run run hát nho nhỏ, happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday to Mrs Steinberg...
Bà há hốc miệng ngạc nhiên, im lặng vài khoảnh khắc rồi quay mặt vào tường. Tôi ngỡ bà phản ứng giống như khi nghe nhân viên bệnh viện hát chúc mừng trước đó. Ngờ đâu bà quay lại với đôi mắt ướt, giơ hai tay ôm chầm lấy tôi. Líu lưỡi cám ơn, cám ơn. Bà thổi đèn cầy rồi ăn hết chiếc bánh bình dân một cách ngon lành, nói, đây mới chính là cái "donut" mà ta muốn. Bà cám ơn tôi lần nữa, đã cho bà một sinh nhật tuyệt vời và độc đáo.
Bà vui vẻ trở lại nhanh chóng. Kể đủ mọi chuyện ngày cũ, toàn những chuyện về John. Trong ba người con chỉ có John nhớ sinh nhật của bà, dù đi đâu xa cũng quay về vào ngày ấy. Bà nhất định cho rằng, bằng cách nào đó, chính John đã mượn tôi thực hiện sáng kiến sinh nhật donut.
 
Tôi nói có một món quà sinh nhật và trao cho bà chiếc phong bì đựng bản fax của lá thư và tấm hình. Thêm một lần ngạc nhiên thích thú, bà mở ra. Mới lướt qua tấm hình và đọc vài hàng của lá thư, bà thở hổn hển. Những thứ này ở đâu ở đâu ra? Đúng là nét chữ của ta, đây là lá thư ta gửi John cám ơn lời hỏi thăm sức khỏe khi ta bị té gẫy chân và cho biết tình trạng đã ổn định. Làm sao mi có được? Nói ngay, nói ngay! Còn tấm hình mờ nhưng ta biết đó là hình chụp ta và con chó Buddy.
Tôi cho bà biết chuyện thật đời tôi, tất cả những gì tôi nghe về bạn quá cố của tôi, lúc còn sống, lúc lâm nạn và tại sao tôi có được những thứ đó.
Bà nhờ tôi kê gối đẩy lưng cao lên. Đọc kinh tạ ơn Chúa. Bà càng tin rằng John đã nhập vào tôi và mang thông điệp của tin mừng đến cho bà.
Bà đã mệt lắm rồi. Linh tính những ngày giờ cuối cùng đã điểm, tôi ở lại bên cạnh bà.
 
Thấy bà không ngủ, tôi hỏi có cần gọi y tá không? Bà không trả lời, cầm tay tôi đặt lên ngực phía trái tim, cặp mắt lạc thần, nhìn vào hư không, nói lẩm bẩm như người mộng du.
Baby John của mẹ, con có biết 12 năm nay không có ngày nào mẹ ngưng thương nhớ con? Mẹ nhớ từ tiếng con khóc lúc chào đời..., mẹ nhớ lúc con chập chững những bước đi.... Mẹ nhớ những ngày tuyết đổ mẹ dẫn con vào lớp học giao cho cô giáo vườn trẻ, con níu áo mẹ không rời, mẹ phải ở với con suốt buổi rồi đem con về.... Mẹ nhớ những đêm con ho cảm lạnh, mẹ thức trắng đêm ôm ru con ngủ.... Mẹ nhớ...Mẹ nhớ.... Mẹ khóc mừng ngày con tốt nghiệp đại học.... Mẹ tưởng con của mẹ sẽ mãi mãi êm ấm trong vòng tay mẹ. Nhưng con, con... đã đi và đi không trở lại. Lúc sinh thời, cha con nếu có lỗi với con thì cũng chỉ vì yêu con. Hai cha con bây giờ đã xum họp ở thế giới khác, đâu còn giận hờn. Mẹ cũng sắp sửa gặp cha con và con đây. Con ngoan nhé. Mẹ yêu của con.
Tôi lặng yên quỳ xuống đầu giường để bà vuốt tóc. Ước gì thật sự là John để bà trút hết nỗi niềm chất chứa bấy lâu và để cho tình mẫu tử thăng hoa.
 
Bà chợt tỉnh, nhận ra tôi nhưng vẫn tiếp tục xoa đầu. Ta thấy hình ảnh của John qua con, con cũng là con ta. Bà dí ngón trỏ lên trán tôi, mỉm cười, nụ cười nhân ái nhất nhận được trong đời, mắng yêu, "THẰNG TẦU CON CỦA MẸ". Chúa ơi! Bà gọi tôi là con và xưng mẹ!
Không biết ai xúc động nhiều hơn ai. Có lẽ không phải là bà mà là tôi. Tôi bỗng buột miệng vô thức...Mẹ, Mẹ... rồi á khẩu. Dòng nước mắt tôi chảy, giọt nước mắt bà lăn dài. Cả hai ôm nhau hoà tan trong nước mắt.
 
Trưa hôm sau bà lệnh cho cô thư ký mời luật sư gia đình gặp bà thảo luận chuyện quan trọng. Ông đang có việc ở Âu châu nên chỉ nói chuyện qua điện thoại và hứa sẽ đổi vé, bay về trên chuyến gần nhất.
Bác sĩ được triệu đến khẩn cấp.
Bà Steinberg yếu dần, bỏ ăn từ chiều hôm trước, môi khô. Nuốt khó khăn. Mũi thuốc morphine giảm đau liều cao chỉ giúp bà thiếp đi một chốc. Đắp thêm chăn, xoa bóp chân tay, vẫn còn lạnh. Bà đã bị ảo giác, mất định hướng thời gian và không gian. Liên tục thì thào gọi tên John. Tôi nắm bàn tay lạnh của bà vuốt nhẹ, khẽ gọi, mẹ ơi! mẹ ơi!.
Bà thở không bình thường nữa, hắt ra rồi bất động. Bác sĩ vạch mắt, rọi đèn pin soi đồng tử, nhìn đồng hồ lắc đầu. Xong một kiếp người!
 
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đã có mặt trong phòng. Hai người con gái đi cùng hai luật sư của họ, luật sư gia đình, giám đốc các công ty kinh doanh của gia đình, các đại diện và luật sư của các hội từ thiện, một vài họ hàng thân cận.
Tất cả yêu cầu luật sư gia đình công bố di chúc. Họ tranh cãi khá lâu, không ồn ào nhưng rất gay gắt. Không đi đến kết quả nên đồng ý giải quyết sau tang lễ.
Nghe thoang thoáng có người đề cập đến tên mình nhưng tôi để ngoài tai vì nghĩ không có gì liên hệ.
Luật sư yêu cầu giải tán để nhân viên nhà quàn làm phận sự. Nhiều người trước khi bước ra khỏi cửa ném cho tôi cái nhìn khó chịu, có người đi ngang tôi với vẻ thù hận ra mặt. Tôi không hiểu tại sao. Không lẽ kỳ thị chủng tộc?
 
Những gì xảy ra trong những ngày vừa qua khiến cho tôi chán ngán tình đời. Một quyết định xẹt trong đầu. Đi thật xa. Phải, sẽ đi thật xa để khỏi nhìn thấy những con diều hâu bạc tình bạc nghĩa đang rỉa xác một người đàn bà nhân hậu. Tôi bước vào phòng, đặt một nụ hôn trìu mến trên trán bà mẹ nuôi. Nói nhỏ, lạy mẹ, con đi.
Tôi về nhà nhét vội vài bộ quần áo vào va li, bỏ lại tất cả đồ đạc, ra bến xe đò Greyhound mua vé đi thẳng Toronto. Cuộc đời lưu lạc bắt đầu từ đó.
 
 
Ông luật sư đãi tôi ăn trưa tại một nhà hàng ở khu phố vắng. Chuyện xảy ra 32 năm trước được giải mật.
 
Khi ông đang ở Paris, bà Steinberg điện thoại, muốn sửa di chúc. Ông chấp hành chỉ thị, thâu băng cuộc đối thoại, soạn thảo văn bản ngay trên chuyến bay khứ hồi. Không may, bà đã không kịp duyệt ký trước khi ra đi.
Các cuộc tranh cãi sau khi bà chết bùng nổ giữa các luật sư.
Di chúc chính thức qui định rõ, gia tài được chia làm 3 phần đồng đều, cho 3 người con. Riêng phần của John Steinberg có ghi chú thêm. Vì đã được liệt kê trong danh sách quân nhân mất tích, nên nếu 5 năm sau khi bà mất, vẫn không nhận được tin tức mới, phần này sẽ được chia 50/50. 50% giành cho các cơ quan từ thiện đã chỉ định. 50% sẽ thuộc về 2 người con còn lại.
 
Theo bản dự thảo di chúc mới, phần của John được sửa lại, sau 5 năm phần này sẽ được trao cho tôi thay vì chia 50/50 cho các cơ quan từ thiện và 2 người con gái.
Ông luật sư yếu thế, không thuyết phục được mọi người chấp nhận lời di chúc phi văn bản. Nếu đưa ra toà án phân xử cũng không hy vọng thắng. Kiện cáo có thể kéo dài, sẽ rất tốn kém. Điều quan trọng nhất, người có quyền lợi là tôi thì biệt tích giang hồ, không tìm thấy địa chỉ liên lạc. Bản di chúc cũ được thi hành. "Định mệnh đã an bài", không thể thay đổi.
Ông trao cho tôi cuốn băng. Giữ lại như một kỷ niệm, ghi nhận tình thương và lòng hào hiệp của bà mẹ nuôi đối với tôi.
 
 
- Là triệu phú hụt, cậu có tiếc không?
- Không, không bao giờ. Tôi vẫn nhớ chuyện tái ông thất mã. Trong cái rủi luôn luôn có cái may đền bù. Trong cái may luôn luôn ẩn nấp cái rủi. Nếu lúc đó là triệu phú, nhiều phần đã biến tôi hư hỏng. Tiền không do công sức của mình làm ra là tiền...lèo. Xài tiền lèo thì mình cũng trở thành lèo. Sẽ ỷ lại, không cầu tiến.
Vì đã không là triệu phú nên tôi mới là tôi như bây giờ. Bằng lòng với hiện tại.
 
Tôi có hai bà mẹ. Bà mẹ da vàng để lại vết tích đậm nét da vàng trên thân xác tôi. Bà mẹ da trắng để lại nhiều dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi yêu cả hai.
Nếu đến lễ Vu Lan hay Ngày Của Mẹ có ai hỏi tôi, bông hồng hay bông trắng cài áo? Tôi sẽ bảo, vui lòng cài cho tôi hai bông trắng.
- Xin cạn ly mừng cậu có hai bà mẹ trong đời. Chúc cậu đêm nay ngủ thật ngon, sẽ mơ hội ngộ BÀ MẸ TÂY...có con là "thằng Tầu con".
 
01 Tháng tư 2014
Nguyễn Cát Thịnh
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
.
 
__,_._,___
 
thanh
thanh

Tổng số bài gửi : 858
Join date : 28/06/2010
Age : 57

Về Đầu Trang Go down

BÚA XUA TỔNG HỢP - Page 7 Empty Re: BÚA XUA TỔNG HỢP

Bài gửi by Huong Sun Jun 12, 2016 4:00 am

Hay quá Hoàng, Thanh!   Hai câu chuyện với hai tính cách trái ngược ở hai người đàn ông . Mấy ngày trước đã muốn khóc khi đọc câu chuyện trên, hôm nay thì phải giả vờ đi ra sau uống nước không thôi khách thấy được tớ khóc.... 
Nghĩ lại,  H thấy thật hổ thẹn vì những lần không rộng lượng đủ đối với những người lớn tuổi,,, đưa ra những lý do tưởng như là chính đáng để biện minh cho thái độ dửng dưng né tránh của mình.... Hai câu chuyện như một lời nhắc nhở để H nhìn lại thái độ sống của mình.
Huong
Huong

Tổng số bài gửi : 254
Join date : 30/07/2010
Age : 56

Về Đầu Trang Go down

BÚA XUA TỔNG HỢP - Page 7 Empty Re: BÚA XUA TỔNG HỢP

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Trang 7 trong tổng số 7 trang Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết